Đừng khóc cho bóng đá nữ Việt Nam

Sau nhiều năm, các cô gái bóng đá chẳng còn cần ai đó chia sẻ với hoàn cảnh nghề nghiệp. Nếu có thể, hãy hành động để họ có thêm mục tiêu lớn trong tương lai.

Bóng đá nữ thắng Thái Lan. HLV Mai Đức Chung lại vô địch. Ngày về của các cầu thủ nữ lặng lẽ. Những khán đài hoang vắng ở giải quốc gia… Đó là những từ ngữ lặp đi, lặp lại khi nói về bóng đá nữ gần hai thập niên đã qua. Nhiều đến mức hóa bình thường.
Nhưng để sự việc trở nên bình thường như vậy là điều… không bình thường một chút nào.

Các cầu thủ Việt Nam mừng tấm HC vàng ở giải vô địch nữ Đông Nam Á 2019.

Hãy bắt đầu từ những con số. Việt Nam từng soán ngôi hậu của Thái Lan ở Đông Nam Á bằng chiếc HC vàng tại SEA Games 2001. Đó có thể xem là chức vô địch đầu tiên của cả nền bóng đá Việt Nam ở các đấu trường khu vực. Từ đó đến nay đã 19 năm, các cô gái Việt Nam đã giành tổng cộng năm HC vàng SEA Games, ba chức vô địch Đông Nam Á. Cùng kỳ, Thái Lan tổng cộng chỉ sáu danh hiệu, Mynamar là hai. Như vậy, việc thầy trò Mai Đức Chung đánh bại Thái Lan để lấy lại ngôi số một khu vực ở giải 2019 không phải là kỳ tích. Nhưng khác với những cuộc đối đầu trước đây, chiến thắng này diễn ra ngay trên đất Thái Lan, và bại tướng của Việt Nam là đội bóng vừa dự World Cup 2019. Đó mới là chi tiết đáng chú ý.
Bóng đá nữ Việt Nam bắt đầu dự giải vô địch châu Á (Asian Cup) từ năm 1999, cách đây đúng 20 năm. Giải này không phải đá vòng loại, nên từ đó đến nay, Việt Nam đều đặn góp mặt. Trong tám kỳ tham gia, Việt Nam chưa bao giờ vào đến bán kết. Vị trí quen thuộc thường khoảng top 6 hoặc top 8 đội mạnh nhất. Đây cũng là thứ hạng thường xuyên của Việt Nam trên bảng thứ tự FIFA. Cùng thời gian này, Thái Lan cũng không khá hơn. Ngoài Asian Cup 2018, may mắn nằm trong một bảng đấu quá nhẹ với Jordan và Philippines, họ mới vào bán kết cùng với chiếc vé dự World Cup 2019. Việt Nam thì cùng bảng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Đây là ba trong số năm đại gia của bóng đá châu Á (cùng Trung Quốc và Triều Tiên). Cả Thái Lan lẫn Việt Nam mỗi khi gặp nhóm này thì nhẹ nhàng cũng thua từ bốn bàn.
Hai đội bóng tương đương nhau về trình độ nhưng Thái Lan đã hai lần dự World Cup.
Câu hỏi đặt ra là 20 năm qua, phải chăng chúng ta đã và đang đi… sai đường? Cứ mỗi lần tổ chức giải vô địch quốc gia là bấy nhiêu lần các nữ cầu thủ chịu ám ảnh bởi những khán khán đài trống vắng và dư luận lại có dịp “rơi nước mắt”. Thực tế, ở đâu bóng đá nữ cũng kén khán giả. Tại Mỹ, quốc gia số một về thành tích và có xu hướng bình đẳng giới cao nhất, giải vô địch của họ cũng chỉ bắt đầu từ năm 2009, có năm phải dừng tổ chức (2012) và ở mùa gần nhất thì không đài nào mua bản quyền phát sóng. Tổng lượng khán giả đến sân theo dõi đội vô địch năm 2018 chưa bằng một nửa so với một trận đấu của giải nhà nghề Mỹ (MLS).
Giải vô địch Việt Nam đã 21 lần tổ chức. Số CLB tối đa là tám và hầu như không thay đổi trong hai thập niên qua. Chức vô địch cũng gần như chia đều cho Hà Nội (10 lần) và TP HCM (8 lần). 95% quân số của đội tuyển cũng chỉ đến từ bốn đội bóng mạnh nhất là Hà Nội, TP HCM, Than Khoáng Sản và Hà Nam. Trong một tình trạng như vậy, khó mà đòi hỏi khán giả đến sân dù mở cửa miễn phí, cũng không có nhà tài trợ nào đủ dũng cảm để tham gia.
Tuy nhiên, dường như chưa ai đặt câu hỏi về tính hiệu quả của giải vô địch quốc gia. Đành rằng, phải tổ chức thì cầu thủ mới có cơ hội thi đấu, mới chọn được tuyển thủ cho đội tuyển quốc gia. Nhưng một giải vô địch ít tính cạnh tranh và thiếu sự quan tâm cũng có thể làm chậm khả năng tiến bộ của các cầu thủ. Nhiều người chưa đá cũng chắc suất lên đội tuyển. Thi đấu mà không ai đến xem, ít nhiều cũng tổn thương đến khát vọng chơi bóng.
Có một chi tiết khá thú vị, đó là mỗi khi HLV Mai Đức Chung cầm quân thì  tuyển nữ lại giành vinh quang. Ông Chung mát tay đến mức, từ biệt danh Chung “xe ca” khi còn làm cầu thủ, nay trở thành Chung “gái” với hai chức vô địch Đông Nam Á và ba HC vàng SEA Games. Dù đội tuyển nữ từng thuê các HLV ngoại, người thành công nhất vẫn là ông Chung. Điều này cho thấy, trình độ của bóng đá nữ Việt Nam ổn định theo biểu đồ hình ngang, chỉ cần HLV quen thuộc thì có thành tích. Nhưng vì quen thuộc như vậy nên cũng chẳng có bước nhảy vọt gì.
Đấy là lý do mà thành tích của bóng đá nữ Việt Nam chủ yếu lấy các trận đối đầu với Thái Lan làm thước đo, trong khi khoảng cách về tỷ số với những đội mạnh châu Á thì chưa hề rút ngắn. Trong năm kỳ Asian Cup gần nhất, hiệu số bàn thắng bại của Việt Nam lần lượt là -6 (2006), -3 (2008) đến -12 (2010), -4 (2014) và mới nhất là -16 (2018).
Như vậy, việc cố gắng xây dựng phong trào, phát triển bóng đá nữ theo kiểu của bóng đá nam, là một chiến lược “đi loanh quanh rồi về chốn cũ”. Phong trào thì dậm chân, đời sống cầu thủ không cải thiện, và thứ hạng thì vẫn nằm ngoài top 5 châu Á. Bây giờ hay sau này, cũng khó khá hơn.
Chính vì thế, đừng khóc thêm cho bóng đá nữ. Để vinh danh các cô gái thì cần hành động. Bắt đầu từ World Cup 2023, số đội sẽ nâng từ 24 lên 32. Châu Á khi đó sẽ có ít nhất bảy suất và việc dự World Cup lúc này với đội tuyển nữ Việt Nam có thể sẽ quen thuộc như tham dự Asian Cup. Mục tiêu lúc đó không phải là giành vé, mà là làm sao để rút ngắn các tỷ số mênh mông trên đấu trường châu lục và thế giới. Thái Lan trong hai lần dự World Cup, thủng lưới đến 29 bàn và chỉ ghi được 4 bàn.
Chắc chắn những sân đấu tại giải vô địch vẫn sẽ trống vắng. Chắc chắn không có ai tài trợ cho giải đấu nội địa ấy và sự thờ ơ của công chúng vẫn sẽ tiếp tục. Thế nên, thay vì cố gắng “bằng anh, bằng em” thì nên đầu tư chi phí cho đội tuyển được tập trung lâu hơn, đi tập huấn nhiều hơn, đá cọ xát với các đội bóng trên tầm nhiều hơn thì mới có cơ sở để cải thiện trình độ. Việc tìm được các nhà tài trợ riêng cho đội tuyển cũng dễ dàng hơn và phần nào đó, cũng giúp cho đời sống của các cô gái đá bóng sáng sủa hơn.
Song Việt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *